Câu hỏi của Trang (Virginia) :
Kính chào Thầy Ngọc,
Con tên là Trang, hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Virginia ở Mỹ.
Con có 1 người anh trai 50 tuổi đang bị chứng bệnh Anxiety Disorder. Bản chất của anh xưa nay là người rất hiền lành, nhiều tình cảm, sống nội tâm. Nhiều năm qua anh đã trải qua 1 đời sống rất bận rộn, vừa đi học vừa đi làm, vừa dành thì giờ làm việc Phật sự mặc dù anh chưa phải là 1 Phật tử thuần thành. Mấy tháng gần đây, anh bị áp lực ở sở làm bởi nơi đây cắt giảm nhân viên liên tục, một người anh ruột trong gia đình lại mới qua đời, đã vậy thị trường nhà đất lại xuống giá khiến anh thua lỗ nhiều trong căn nhà anh mua cách đây 4 năm. Có lẽ anh lo âu phiền muộn nhiều nên đâm ra quẩn trí. Trong vòng 3 tháng nay, sức khoẻ anh bỗng dưng suy sụp, kém ăn, kém ngủ, chuyện gì cũng quá lo sợ, luôn có cảm giác là mình đang làm phiền người nhà, nghi ngờ đủ chuyện, nghi ngờ bác sĩ, y tá, không chịu uống thuốc, thấy đau nhức mệt mỏi trong người. Tháng 4 năm 2009 anh đã vào phòng cấp cứu vì tim đập quá mạnh, nhịp tim 130-140, ngón tay tê cứng. Thử máu thì thấy lượng calcium trong máu xuống quá thấp nên bệnh viện cho IV và đưa về bác sĩ gia đình để theo dõi tiếp. Cách đây vài ngày vào đầu tháng 8/2009, anh lại vào phòng cấp cứu vì thấy tim đập rất nhanh, cảm thấy hồi hộp, rất khó thở, có cảm giác mắc nghẹn như có 1 cái gì chặn lại ở cổ. Sau khi thử máu, CT scan, chụp hình phổi không tìm thấy gì thì bệnh viện kết luận rằng anh bị chứng bệnh Anxiety Disorder và giới thiệu đến Psychiatrist/Psychologist.
Mấy ngày gần đây, không biết anh lo sợ điều gì mà anh đứng ngồi không yên. Bảo anh làm việc gì, anh cũng không dám làm, anh không muốn đến sở làm, anh kêu lạnh nhưng người khác rờ người anh thì lại thấy chân tay anh ấm áp.
Xin hỏi Thầy có cách nào ngoài thuốc tây để điều trị chứng bệnh này hay không. Con nghe nói tất cả những loại thuốc trị bệnh này đều có phản ứng phụ lâu dài. Xin Thầy chỉ giúp và hướng dẫn con làm sao để giúp anh ấy. Con rất lo âu cho sức khoẻ của anh. Xin chân thành cảm ơn Thầy. Con rất mong thư của Thầy.
Kính thư,
Trang
Trả lời của thầy Đỗ Đức Ngọc
Bệnh này tập khí công sẽ có kết qủa phục hồi sức khỏe nhanh.
Theo biện chứng trị liệu của đông y, lo quá hại tỳ (lá lách), sợ quá hại thận, buồn quá hại phổi.
Khí của phổi không đủ nên khó thở, và phế kim hư, không nuôi con là thận, khiến thận khí hư và thận âm hư. Thận là mẹ của gan hư yếu không nuôi con là gan, làm chức năng gan đởm (mật) hư yếu không tiêu hóa được, đởm hư sinh nhút nhát. Gan là mẹ của tim, gan chứa máu, bơm máu cho tim để tim đập làm nhiệm vụ tuần hoàn. Nay gan không bơm đủ máu do thiếu máu, khiến tim phải đập nhanh hơn để thúc đẩy số máu còn lại trong ống máu đi và về tim phải nhanh hơn mới đủ một chu kỳ tuần hoàn, khiến tim bị mệt.
Theo đông y khí công, chữa bệnh là điều chỉnh lại cho Tinh-Khí-Thần hòa hợp. Trường hợp này là Tinh hư, Khí thiếu, Thần suy. phải chỉnh cả 3.
a-Điều chỉnh Tinh :
Dùng Đương Quy Tửu (Tankwe-Gin) trước bữa ăn 5 phút, uống 2 muổng canh . Ngày uống 2 lần theo bữa ăn. Thuốc kích thích tiêu hóa, thèm ăn, chuyển dưỡng trấp tạo thêm máu chữa bệnh áp huyết thấp do thiếu máu làm tim bị đập nhanh. Dùng trong 1 tháng.
Sau bữa cơn ăn tráng miệng 5-10 qủa táo tầu đen, giúp an thần, mạnh thận, ngủ ngon
Không được ăn chất chua sẽ làm mất hồng cầu mất máu. Thiếu máu thì áp huyết thấp, tim đập nhanh, người lạnh, đau nhức và hồi hộp mất ngủ.
b-Điều chỉnh Khí :
Điều chỉnh phế khí, tỳ khí, tâm khí, can khí, thận khí cho khí ngũ tạng hoạt động đều đồng bộ bằng bài tập Thông Tinh-Khí-Thần, Vỗ Tay 4 Nhịp hát one, two, three…theo DVD hướng dẫn DVD Thông Tinh Khí Thần
c-Điều chỉnh Thần :
Phải nhìn thẳng vào sự thật, ai cũng thê thảm trong thời buổi suy thoái kinh tế chứ không riêng mình, nếu tâm bình thản không bị rối loạn thì không bị thêm bệnh tật hại vào thân như người khác, lại phải tốn kém thêm tiền bạc chẳng lợi ích gì, khiến khổ càng thêm khổ, bệnh càng thêm bệnh . Mỗi người sung sướng nghèo khổ đều có số, nhưng bệnh tật do tự mình làm ra.
Hơn nữa đã là Phật tử, có 2 loại phật tử : Loại phật tử sơ cơ, đi chùa làm công qủa kiếm phước, được gần thiện tri thức, được rèn luyện thân tâm không xao động, cho tạm quên đi những lo phiền ngoài thế tục. Loại thứ hai là theo các khóa tu học, hiểu và thực hành giáo lý của Phật, tụng kinh, niệm Phật, thiền hành để bớt được tham sân si, tăng trưởng bi trí dũng …
Hai điều trong giáo lý của Phật cần ưu tiên tìm hiểu để chữa bệnh này là si, và trí.
Si là sự mê muội, có nghĩa là có lo, có sợ cũng chẳng thay đổi được tốt như mình muốn, mà lại tự làm cho mình bệnh… cái đó gọi là si, người đời nói nôm na là ngu.
Trí là có suy xét tìm hiểu nguyên nhân và hậu qủa, bỏ cái dở tìm cái hay, nhờ các chư tăng, đạo hữu thiện tri thức giúp mình vượt qua được khó khăn bằng mọi phương pháp hay nhất, và giữ tâm mình lúc nào cũng bình tĩnh sáng suốt để giải quyết những khó khăn mà mình phải đương đầu… đó mới là người có trí .
Phương pháp tránh lo nghĩ là phải tập thở thiền trước khi ngủ, ý và tay trụ ở Đan Điền Thần, tập bài Lập Lư Đảnh, thở Thai Tức để được an thần, ngủ ngon.
Tham khảo thêm về Khí Công trong các bài viết ở trang Khí Công Y Đạo tại blog nầy.
Thân,
doducngoc